Chính sách đối ngoại Minh_Thành_Tổ

Một con hươu cao cổ châu Phi được quốc vương Bengal tặng cho Minh Thành Tổ. Theo một số thuyết thì kỳ lân được cách điệu theo con hươu cao cổ này

Mông Cổ

Mông Cổ tuy đã bị Minh Thái Tổ đuổi ra khỏi Trung Quốc từ năm 1368 nhưng vẫn là một kình địch đáng gờm của nhà Minh. Quân Mông Cổ du mục vẫn còn gây ra một số bất ổn cho Nhà Minh. Vĩnh Lạc đã chuẩn bị để loại trừ mối đe dọa này. Ông sửa chữa hệ thống phòng thủ phía Bắc và xây dựng đội quân liên minh ở vùng đệm với Mông Cổ. Chiến lược của ông là để buộc người Mông Cổ vào phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và tiến hành tiến đánh định kì vào Mông Cổ để làm tê liệt sức mạnh của họ. Ông thậm chí còn thành công trong việc buộc Mông Cổ trở thành một chư hầu Nhà Minh, và tiến hành cô lập người Mông Cổ. Thông qua chiến đấu, Minh Thành Tổ đã đánh giá cao tầm quan trọng của kỵ binh trong chiến trận và đã dành nhiều nguồn lực để phát triển nó. Minh Thành Tổ dành cả đời để đánh Mông Cổ, có cả thắng thua, tuy nhiên qua các cuộc chinh phạt này biên giới Nhà Minh được mở rộng và trong lần chinh phạt thứ 2 đã giúp cho Đại Minh có được hòa bình ở phía bắc trong bảy năm. Ông thực hiện 5 cuộc viễn chinh vào sa mạc GobiSiberia và nghiền nát những tàn tích còn sót của Triều đại Nhà Nguyên, sau khi chúng đã bỏ chạy xa về phía bắc do bị đánh bại bởi Chu Nguyên Chương, diễn ra từ năm 1410 đến năm 1424.

Lần thứ nhất

Nhà Minh gửi sứ giả đến Đông Mông Cổ đòi nước này phải thần phục và cống nạp cho Nhà Minh. Năm 1409, Bunyashiri[5] thủ lĩnh Đông Mông Cổ cho chém sứ giả Nhà Minh. Ngược lại, Mahmud của Ngõa Lạt Mông Cổ (Tây Mông Cổ) lại cho sứ thần đến cống nạp cho Nhà Minh vào năm 1408. Nhà Minh đã lợi dụng mối quan hệ này một cách thành công trong việc chống lại Đông Mông Cổ.

Mùa đông năm 1409, Vĩnh Lạc triệu tập quân đội, trưng thu lương thảo chuẩn bị cho chiến tranh. Tháng ba năm 1410, nhà vua rời khỏi Bắc Kinh với 10 vạn đại quân, 3 vạn xe chở lương thảo. Khi đến bờ bắc sông Kerulen, hoàng đế cho khắc vào đá:"Năm Vĩnh Lạc thứ 8, Hoàng đế nhà Đại Minh đã qua đây với 6 đạo quân để chinh phạt bọn kẻ cướp Man Di".

Bunyashiri muốn bỏ chạy khỏi quân Minh, nhưng Arughtai không đồng ý nên hai thủ lĩnh Mông Cổ mang theo quân của mình đi theo 2 hướng khác nhau. Quân Minh đuổi theo Bunyashiri, đánh bại và tiêu diệt gần hết đội quân này, tuy nhiên Bunyashiri trốn thoát với một số cận vệ. Sau đó, quân Minh đuổi theo và đánh bại Arughtai, còn Arughtai cũng trốn thoát được quân Minh. Vĩnh Lạc hoàng đế trở về Bắc Kinh vào tháng 9.

Arughtai sau khi bị đánh bại, vì sợ sức mạnh quân sự của Nhà Minh và muốn có hàng hóa qua buôn bán nên đồng ý thần phục và cống nạp cho Nhà Minh. Còn Bunyashiri bị quân Ngõa Lạt bắt và giết vào năm 1412.

Lần thứ hai

Triều đình nhà Nhà Minh ngày càng coi thường và có thái độ tiêu cực với Ngõa Lạt. Minh Thành Tổ từ chối khen thưởng cho Mahmud và quân Ngõa Lạt, những người đã chiến đấu chống lại Bunyashiri và Arughtai. Mahmud ngày càng tức giận vì bị coi thường bởi vua Minh và đã bắt giữ sứ đoàn Nhà Minh, nên Vĩnh Lạc phải phái một hoạn quan đến đảm bảo an toàn và phóng thích cho sứ đoàn.

Cảm thấy bị đe dọa, Mahmud đã huy động 3 vạn quân Ngõa Lạt Mông Cổ tiến đến sông Kerulen chống lại Nhà Minh vào năm 1413. Cuối năm đó, Arughtai thông báo cho Nhà Minh là Mahmud đã vượt sông Kerulen chuẩn bị khai chiến với quân Minh. Tháng 4 năm 1414, Vĩnh Lạc xuất quân khỏi Bắc Kinh để đối đầu với Ngõa Lạt. Quân Minh tiến đến Kerulen, và gặp phải quân Ngõa Lạt ở thượng nguồn sông Tula. Quân Ngõa Lạt bị choáng với các cuộc pháo kích của pháo binh Nhà Minh nên bị tổn thất nghiêm trọng và buộc phải rút lui. Mahmud trốn thoát cùng với Delbek, một khả hãn bù nhìn. Vĩnh Lạc khải hoàn về Bắc Kinh vào tháng 8.

Arughtai viện cớ bị bệnh nên không tham gia cuộc chiến, còn Mahmud muốn nối lại hòa bình với Nhà Minh, mặc dù Vĩnh Lạc nghi ngờ sự trung thực của Mahmud. Dù sao, vào năm 1416, Mahmud và Delbek đã bị Arughtai tấn công và giết chết.

Lần thứ ba

Arughtai muốn nhận được phần thưởng của mình vì đã cung cấp tình báo cho quân Minh. Tuy nhiên, Vĩnh Lạc chỉ ban cho Arughtai và mẹ mình tước hiệu chứ không phải các đặc quyền kinh tế. Việc này khiến Arughtai ngày càng thù địch Nhà Minh và bắt đầu tấn công các thương đoàn phía bắc Trung Quốc. Năm 1421, Arughtai ngừng gửi cống nạp cho Nhà Minh. Năm 1422, Arughtai tấn công và phá hủy một vài pháo đài phía bắc Nhà Minh. Việc này đã buộc Nhà Minh phải chuẩn bị cho cuộc chinh phạt thứ 3.

Ở triều đình Nhà Minh, các đại thần của Minh Thành Tổ khuyên can ông không nên động binh vì quốc khố sẽ trở nên trống rỗng. Vĩnh Lạc bỏ ngoài tai những lời này, trong số các vị thượng thư khuyên can, 1 người tự sát còn 2 người thì bị bỏ ngục.

Tháng 4 năm 1422, Minh Thành Tổ khởi 23 vạn đại quân từ Bắc Kinh tiến đến Dolon, nơi Arughtai đang đóng trại. Quân Minh gây hoảng sợ cho Arughtai, kẻ bị buộc phải tránh giao chiến với quân Minh và rút vào thảo nguyên. Quân Minh đáp trả bằng các cuộc cướp bóc vào trại của Arughtai. Tình huống bực bội này đã làm cho Vĩnh Lạc chuyển hướng tấn công và cướp bóc đẫm máu sang bộ tộc Urianghai, trong khi bộ tộc này không hề dính dáng đến sự thù địch của Arughtai. Những kiểu tấn công này được lập lại trong các chiến dịch sau. Quân Minh trở về Bắc Kinh vào tháng 9.

Lần thứ tư

Năm 1423, Minh Thành Tổ phát động một đòn tấn công phủ đầu vào lực lượng của Arughtai vào tháng tám. Tuy nhiên Arughtai lại tránh giao chiến với quân Minh. Ésen Tugel, một tướng lĩnh của Đông Mông Cổ đã đầu hàng Nhà Minh. Quân Minh về Bắc Kinh vào tháng 12.

Lần thứ năm

Arughtai tiếp tục các cuộc tấn công cướp bóc vào Khai Bình và Đại Đồng. Năm 1424, Minh Thành Tổ đáp trả bằng cách phát động chiến dịch thứ 5 đánh Mông Cổ, ông tập hợp quân đội ở Bắc Kinh và Tuyên Phủ, vào tháng tư thì khởi binh đánh Arughtai. Cũng như các lần trước, Arughtai tránh giao chiến với quân Minh và lui về thảo nguyên. Các tướng lĩnh Nhà Minh đề nghị truy kích Arughtai bằng cách thọc sâu vào thảo nguyên Mông Cổ nhưng Minh Thành Tổ, lúc này đã già, cho rằng làm vậy là quá sức mình, đã hạ lệnh lui quân.

Đại Ngu - Đại Việt

Giao Chỉ (miền Bắc Việt Nam) dưới sự chiếm đóng của nhà MinhTriều Minh Trung Quốc dưới Triều đại Vĩnh Lạc (1424)

Đại Việt, với tên gọi mới Đại Ngu từ năm 1400, là một vấn đề hóc búa trong suốt Triều đại của Minh Thành Tổ. Năm 1406, Minh Thành Tổ chính thức đáp lại các thỉnh cầu từ Trần Thiêm Bình - người xưng là dòng dõi Nhà Trần đã bị Nhà Hồ lật đổ năm 1400. Ông sai tướng Hoàng Trung đem 10 vạn quân hộ tống Trần Thiêm Bình về nước. Quân Đại Ngu chặn ở biên giới nhưng bị quân Minh đánh tan; không lâu sau, một cánh quân Đại Ngu khác đánh úp quân Minh. Hoàng Trung phải nhượng bộ xin giao nộp Trần Thiêm Bình cho nhà Hồ bắt giết để được mở đường rút quân về nước.

Để đáp lại sự sỉ nhục này, Minh Thành Tổ đã sai Trương Phụ, Mộc Thạnh đem 21 vạn quân (nói phao lên thành 80 vạn) xâm lược Đại Ngu. Quân Minh liên tiếp thắng trận, bắt được vua Hồ Hán Thương và thượng hoàng Hồ Quý Ly. Nhà Hồ hoàn toàn sụp đổ vào năm 1407 và nhà Minh chính thức giành quyền đô hộ nước Việt, mở ra thời kỳ Bắc thuộc lần 4. Trung Quốc đã bắt đầu âm mưu đồng hóa một cách lâu dài. Vĩnh Lạc cho người đốt hết những sách vở, phá hủy những bia đá có khắc văn tự của người Việt, bắt những thợ thủ công có tay nghề cao người Việt thiến đi rồi đưa về Trung Quốc để phục dịch, lại đàn áp, tăng sưu thuế bắt người Việt phải phục dịch quân Minh. Nhưng những nỗ lực đó vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của người Việt. Nhiều cuộc nổi dậy nổ ra chống lại các bộ máy cai trị của nhà Minh. Minh Thành Tổ đã điều các tướng Mộc Thạnh, Trương Phụ sang dẹp các cuộc cuộc khởi nghĩa mà lớn nhất ban đầu là phong trào của các quý tộc nhà Trần cũ là Trần NgỗiTrần Quý Khoáng. Sau khi họ Trần thất bại, vào đầu năm 1418 một cuộc nổi dậy lớn do Lê Lợi khởi xướng. Do thời gian Minh Thành Tổ qua đời đúng vào năm 1424, các lực lượng người Việt dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đã chiếm lại gần như toàn bộ vương quốc. Năm 1427, Minh Tuyên Tông, cháu nội Minh Thành Tổ đã từ bỏ những nỗ lực bắt đầu bởi ông nội mình và chính thức thừa nhận nền độc lập của Đại Việt với điều kiện nước Đại Việt phải chấp nhận tình trạng chư hầu và phải cống nạp người vàng tượng trưng cho tướng Liễu Thăng bị giết ở ải Chi Lăng mỗi lần đi sứ. Tuy nhiên, vai trò và thanh thế của nhà Minh trong khu vực cũng từ đó mà đi xuống, bởi sự lớn mạnh của nước Việt mới ở phương Nam đã cắt đứt ảnh hưởng của nhà Minh xuống vùng Đông Nam Á.

Timurid

Timur Lenk sau khi đã thành lập nên đế quốc Timurid của mình, bắt đầu lên kế hoạch chinh phục Trung Quốc. Vì việc này ông đã thành lập liên minh với nhà Bắc Nguyên và cho bắt giữ một phái đoàn của Nhà Minh. Tháng 12 năm 1404, Timur phát động một chiến dịch quân sự chống lại Nhà Minh, tuy nhiên quân đội của ông đã phải hứng chịu cái lạnh và dịch bệnh ở bờ sông Sihon, nơi ông đóng quân. Đó là một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử, tương truyền quân của Timur đã phải đào sâu mấy chục thước vào lòng đất để tìm nước. Bản thân Timur mất vì bệnh ở trong quân vào tháng 2 năm 1405, trước khi đến được biên giới Trung Quốc. Chiến dịch bị hủy bỏ và phái đoàn Nhà Minh được trả về.

Tây Tạng

Năm 1403, Minh Thành Tổ cho gửi sứ giả và lễ vật đến Tây Tạng để mời Deshin Shekpa, người đứng đầu phái Kagyu, đến thăm kinh đô của mình, có vẻ như nhà vua đã mơ thấy Quán Thế Âm. Sau một chuyến hành trình dài, Deshin Shekpa tới Nam Kinh vào năm 1407, cưỡi trên một con voi thẳng tới cung điện nơi có hàng vạn nhà sư chờ để đón ông.

Deshin Shekpa khuyên hoàng đế rằng có nhiều tôn giáo khác nhau cho những người khác nhau, có nghĩa là không tôn giáo nào tốt hơn tôn giáo nào. Nhiều người còn cho rằng đã thấy điềm lành trên trời khi Deshin Shekpa ở tại Nam Kinh. Deshin Shekpa còn thực hiện một số nghi lễ cho hoàng gia. Minh Thành Tổ đã tặng ông rất nhiều vàng lụa.

Ngoài vấn đề tôn giáo, Minh Thành Tổ còn muốn thành lập một liên minh với Tây Tạng, thậm chí còn muốn gửi quân đến giúp thống nhất Tây Tạng dưới trướng của phái Kagyu nhưng Deshin Shekpa từ chối vì lúc này một phần Tây Tạng vẫn còn nằm dưới quyền những người ủng hộ Nhà Nguyên. Năm 1408, Deshin Shekpa rời khỏi Nam Kinh về Tây Tạng.